Sự phát triển của thai nhi 26 tuần tuổi

Thu gọn
Mục lục

Sự phát triển thai nhi 26 tuần tuổi trong bụng mẹ như thế nào? Cơ thể mẹ bầu sẽ thay đổi ra sao? Mẹ bầu nên chuẩn bị những gì cho giai đoạn thai kỳ này? Câu trả lời sẽ có trong nội dung bài viết sau đây.

Thai nhi tuần 26 phát triển như thế nào?

Trong tuần thứ 26 này, bé yêu của mẹ đã có chiều dài trung bình là khoảng 36cm và cân nặng khoảng 913g. Các chỉ số thai cũng như các bộ phận trên cơ thể bé cũng có sự thay đổi, phát triển nhanh chóng và hoàn thiện hơn so với các tuần thai kỳ trước đó.

Chỉ số thai nhi 26 tuần tuổi

- Đường kính lưỡng đỉnh: 65mm.

- Chiều dài xương đùi: 47mm.

- Chu vi vòng bụng: 225mm.

- Chu vi vòng đầu: 248mm.

Chỉ số qua hình siêu âm thai nhi 26 tuần tuổi có thể dao động chênh lệch cao hoặc thấp hơn một chút. Nếu kết quả siêu âm cho thấy bé vẫn đang phát triển khỏe mạnh, mẹ cũng không cần quá lo lắng đến vấn đề về chỉ số của thai nhi chưa đạt chuẩn hoặc vượt chuẩn.

2 mắt của bé đã phát triển hoàn thiện

Thai nhi tuần 26 đã phát triển hoàn thiện 2 mắt. Bé sẽ sớm biết mở và nhắm mắt trong khoảng 1 đến 2 tuần tới. Lông mi và tóc trên đầu bé cũng bắt đầu đậm hơn. Các chi tiết nhỏ nhất như: vân tay, vân chân cũng đã được hình thành. Tay và chân bé cũng dài ra tương ứng so với chiều dài cơ thể.

Thai tuần thứ 26 gần hoàn thiện chức năng hô hấp bằng phổi

Sau nhiều tuần tập thở bằng cách nuốt nước ối, đến tuần này bé có thể sử dụng phổi để bắt chước hoạt động hô hấp. Tuy nhiên, các mạch máu dưới phổi vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Vì thế, chức năng hô hấp bằng phổi của bé vẫn chỉ gần hoàn thiện. Thai nhi cần thêm một ít tuần nữa để chức năng phổi phát triển hoàn toàn.

Một lớp mỡ được tích lũy dưới da giúp bảo vệ cơ thể nhỏ bé của con. Trong thời gian này, bé cũng có xu hướng hoạt động nhiều hơn. Các cơ quan cảm thụ cũng dần hoàn thiện.

Thai nhi 26 tuần tuổi đã quay đầu chưa?

Bước sang tuần thứ 26 của thai kỳ, khi không gian trong bụng mẹ đang nhỏ dần do sự phát triển nhanh về kích thước của bé. Lúc này, bé đã không còn nhào lộn như trước đây nữa.

Đây cũng là thời điểm quan trọng cần siêu âm để xác định ngôi thai nhi. Ngôi thai thuận hay ngược sẽ quyết định tư thế chào đời cũng như phương pháp sinh con của thai phụ.

Thông thường, tuần thai kỳ thứ 26 thai nhi đã quay đầu xuống dưới. Nhưng một số bé vẫn đang giữ tư thế nằm ngang bụng mẹ. Trường hợp này y học gọi là thai ngôi ngang. Tùy từng trường hợp, ngôi thai sẽ thay đổi ở một vài tuần sau đó hoặc có thể không.

Những thay đổi của mẹ bầu 26 tuần

Sự phát triển thai nhi 26 tuần tuổi gây ra không ít khó chịu dành cho mẹ bầu. Đặc biệt là những chị em lần đầu mang thai.

Táo bón thai kỳ

Tình trạng táo bón vẫn tiếp tục gây rắc rối, làm ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của mẹ bầu. Hãy tích cực ăn thêm rau xanh để bổ sung chất xơ và uống đủ nước để hạn chế táo bón thai kỳ.

Mẹ mang thai nhi tuần 26 gặp khó khăn trong di chuyển

Tuần thứ 26 của thai kỳ, bụng mẹ đã lớn hơn đáng kể so với tuần thai trước đó. Ngực cũng to hơn và mẹ không thể mặc vừa các bộ quần áo thường ngày. Việc di chuyển cũng trở nên khó khăn và cảm giác nặng nề hơn.

Thai lớn dần khiến mẹ cảm thấy khó chịu khi nằm ngửa. Phần lớn mẹ bầu đã phải nằm nghiêng hoặc sử dụng gối kê dưới bụng để cảm thấy thoải mái hơn khi ngủ. Bên cạnh đó, chứng tiểu đêm có thể diễn ra thường xuyên hơn khi kích thước thai lớn gây chèn ép lên bàng quang, khiến bộ phận này không giữ nước tiểu được lâu.

Thường xuyên bị ợ nóng

Sự lớn lên của thai nhi trong bụng cũng khiến cho hệ tiêu hóa của mẹ bị ảnh hưởng. Vào khoảng thời gian này, mẹ phải thường xuyên đối mặt với những cơn ợ nóng. Nếu trước đây mẹ đã từng có vấn đề về dạ dày, thực quản thì những cơn ợ nóng này sẽ còn tồi tệ hơn nữa.

Cách chăm sóc sức khỏe mẹ khi mang thai nhi 26 tuần tuổi

Đã gần đến những tuần cuối của thai kỳ nên vấn đề dinh dưỡng cho mẹ và bé vẫn phải được cân nhắc hàng đầu. Mẹ cần có một kế hoạch cụ thể để đảm bảo tốt nhất cho sự phát triển thai nhi tuần 26.

Mẹ bầu 26 tuần nên ăn gì

Mẹ bầu 26 tuần nên ăn gì

Về chế độ dinh dưỡng, mẹ cần chú ý bổ sung thêm các thực phẩm chứa nhiều sắt như thịt đỏ, hàu, trai, sò, ốc, gan, ngũ cốc nguyên hạt,… Axit folic cũng là dưỡng chất quan trọng giúp bé phát triển trí não. Các thực phẩm chứa nhiều axit folic bao gồm: rau xanh, cam, bánh mì, gạo,…

Bên cạnh đó, mẹ cũng cần bổ sung thêm vitamin C bằng cách ăn thêm ổi, ớt chuông vàng, đu đủ,…  để hạn chế những cơn chuột rút bắp chân khó chịu. Nếu muốn giảm thiểu những cơn ợ nóng, mẹ bầu có thể chia nhỏ bữa ăn trong ngày.

Chế độ tập luyện

Chế độ tập luyện và vận động của mẹ bầu cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của thai nhi 26 tuần tuổi. Dù vào thời gian này, di chuyển của mẹ đã khá khó khăn nhưng mẹ vẫn phải tập luyện đều đặn mỗi ngày. Hãy chọn những bài tập vận động nhẹ nhàng như: đi bộ, tập yoga tiền sản,… để tăng cường lưu thông máu và trao đổi chất cho cơ thể.

Các bệnh lý thường gặp

Khi mang thai nhi tuần 26, mẹ có thể bị đau nửa đầu do thiếu máu lên não. Sử dụng thuốc chữa đau đầu có thể gây nguy hại đến thai nhi. Vì vậy, mẹ có thể sử dụng các liệu pháp an toàn hơn như xoa bóp, thiền và yoga. Ngoài ra, chế độ ăn uống chứa nhiều sắt cũng giúp mẹ hạn chế được cơn đau.

Khô mắt và giảm thị lực do hormone thai kỳ làm giảm lượng tiết nước mắt. Bên cạnh đó, mẹ bầu có thể còn đối diện với các cơn đau dây chằng do sự lớn lên của thai nhi. Mẹ cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý để giải tỏa căng thẳng, áp lực cho bộ phận này.

Mẹ nên thực hiện những xét nghiệm nào?

Để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ cũng nên tiến hành khám thai định kỳ và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết. Các xét nghiệm mẹ nên thực hiện bao gồm đo huyết áp, xét nghiệm máu và nước tiểu, kiểm tra tiểu đường và một số xét nghiệm khác theo chỉ định của bác sĩ.

Hiểu biết về sự phát triển thai nhi 26 tuần tuổi là điều rất cần thiết để mẹ chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cũng như lên các kế hoạch cho giai đoạn sinh nở sắp tới. Chúc mẹ và bé có một thai kỳ khỏe mạnh!

Con cái là lộc trời cho, Hãy Trân Trọng – Gia Đình Là Vô Giá

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất